Chọn nhà ở khi đi du học Úc luôn là vấn đề khiến cho rất nhiều các bạn du học sinh đau đầu. Khi sinh sống ở một vùng đất, đất nước mới, chỗ ở có ổn định thì các bạn mới có thể tập trung vào công việc, học tập tốt. Hiểu được tầm quan trọng trong việc chọn nhà ở, Jellyfish Education sẽ đưa tới cho các bạn tất tần tật những thông tin về các hình thức nhà ở tại Úc và một vài “bí kíp” khi chọn nhà tại đất nước chuột túi!
Tại Úc, các hình thức nhà ở khá đa dạng tuy nhiên một số loại hình được các bạn du học sinh lựa chọn nhiều nhất thường có: ký túc xá, homestay, share house/room, thuê nhà riêng, hostel,…
1. Ký túc xá
Đây là hình thức phổ biến được nhiều bạn du học sinh lựa chọn. Các bạn sẽ được sắp xếp ở ngay trong khuôn viên của trường cùng với những học sinh khác của trường.
Ở ký túc xá mang lại cho các bạn rất nhiều lợi ích, nhất là với các bạn mới “chân ướt chân ráo” sang Úc. Ở ký túc xá là một trong những cách giúp bạn hòa nhập với môi trường học tập, sinh sống nhanh nhất bởi lẽ bạn sẽ được ở cùng với những bạn du học sinh đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, có cơ hội giao lưu văn hóa, nâng cao khả năng hòa nhập khi cùng chung sống ,… Đặc biệt, khi ở ký túc xá, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí và thời gian cho việc đi lại.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có cơ hội được ở trong ký túc xá do cầu lớn hơn cung. Hơn nữa, thông thường các trường chỉ ưu tiên sinh viên mới nhập học ở ký túc xá kỳ đầu tiên, nhường chỗ cho các sinh viên mới nhập học ở kỳ sau. Bên cạnh đó, về mặt tài chính, tiền phòng trong ký túc xá thường cao hơn so với tiền phòng trung bình ở ngoài khiến nhiều bạn sinh viên băn khoăn trước lựa chọn vào ký túc xá ở.
Chi phí khi ở tại ký túc xá thường dao động trong khoảng 90-280 AUD/tuần.

2. Homestay ( Ở cùng gia đình bản xứ)
Homestay là một lựa chọn phù hợp với các bạn học sinh bậc trung học hoặc sinh viên năm nhất đại học. Các bạn sẽ cùng chung sống với các gia đình người bản địa. Đây là một cơ hội rất tốt cho các bạn nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh, mở rộng thêm hiểu biết về văn hóa và lối sống bản địa. Ở homestay có ích lợi là không phải lo về việc nấu nướng, ăn uống.
>>>Điều kiện tiếng Anh bao nhiêu khi du học Úc? Bí quyết làm bài thi IELTS 7.5+
Hình thức nào cũng có hai mặt thuận lợi, khó khăn và ở homestay cũng phải ngoại lệ. Trước hết giá ở homestay thường cao hơn nhiều so với giá thuê phòng và một số homestay thường cách khá xa trường học khiến việc đi lại của các bạn khá khó khăn. Hơn nữa. Hơn nữa nhiều bạn không phù hợp với lối sống hay thức ăn của chủ nhà, dẫn đến việc các bạn không ăn được hay cảm thấy bất tiện khi phải theo thói quen và lối sống của chủ nhà. Vì vậy, rất ít bạn sinh viên ở homestay lâu dài.
Đa số các trường đều có dịch vụ hỗ trợ sinh viên tìm nhà homestay, và các trường thường giữ một danh sách các hộ gia đình đủ tiêu chuẩn để sinh viên có thể ở homestay một cách an toàn và tiện nghi. Giá thuê homestay khoảng 120 – 150 AUD/ tuần.

3. Thuê một phòng trong nhà ( House/Room Share)
Thông thường, với những bạn ở homestay, sau 1-2 kỳ học khi đã quen với cuộc sống tại Úc, các bạn sẽ chọn chuyển ra ngoài. Và khi đó, hình thức House/ room Share là một lựa chọn tối ưu. Thay vì thuê cả căn nhà, các bạn du học sinh sẽ lựa chọn thuê một căn phòng trong ngôi nhà đó. Hình thức này tiết kiệm chi phí hơn và yêu cầu ít thủ tục hơn. Tuy nhiên, lựa chọn này thường chỉ áp dụng với sinh viên ở 1 mình. Với những bạn thuê cùng gia đình thì cần phải chọn lựa hình thức tốn kém hơn đó là thuê cả căn nhà.
Chi phí khi thuê một phòng thường khoảng 85-215 AUD/ người.

4. Thuê nhà (Rent a house/flat)
Đây là một hình thức nhà ở khá khó khăn, đặc biệt qua một đại lý nhà đất. Chi phí thuê nhà ở Úc rất đắt đỏ, được quản lý chặt chẽ và phải thông qua những thủ tục cực kỳ khó khăn. Về mặt tài chính, Mỗi khi thuê nhà, sinh viên phải chuẩn bị tối thiểu 4 tuần tiền đặt cọc (bond) và 2 tuần tiền nhà trả trước, chi phí thông thường khi thuê mỗi căn nhà thường vào khoảng trên 300 AUD/tuần.
Khi đã có những khoản tiền mặt, sinh viên cần vượt qua khâu chứng minh tài chính. Người đi thuê nhà phải chứng minh được thu nhập của mình ít nhất là gấp đôi, nếu không phải là gấp 2.5 lần so với số tiền thuê nhà hàng tháng. Đây là điều vô cùng khó khăn bởi vậy, các bạn sinh viên thường cùng nhau nộp hồ sơ thuê nhà để có hồ sơ tài chính mạnh hơn.
5. Một vài “bí kíp” cần lưu ý khi lựa chọn hình thức nhà ở tại Úc
5.1. Chi phí chắc chắn sẽ là điểm cần suy nghĩ cẩn thận đầu tiên khi lựa chọn hình thức nhà ở bởi lẽ giá thuê nhà ở Úc không hề rẻ.
Chi phí du học Úc về chỗ ở của bạn sẽ thay đổi tùy theo loại hình nhà ở, địa điểm (tùy vào thành phố, tiểu bang, thậm chí là cả đường phố) và cả những tiện nghi kèm theo. Có nơi cho thuê với giá đã gồm cả điện, nước, Internet, chi phí cống/rác và những đồ đạc sẵn có trong nhà, nhưng có nơi chỉ giao cho bạn mỗi một căn nhà trống!
Trước hết, bạn cần chắc chắn một mức chi phí bạn sẵn sàng bỏ ra cho căn nhà sẽ thuê. Trong mức giá đó, lựa chọn giữa những hình thức tối ưu nhất và lựa chọn những căn nhà phù hợp nhất cũng như tiết kiệm nhất.
5.2. Địa điểm
Một số câu hỏi nên được trả lời trước khi bạn ký bất kỳ hợp đồng thuê nhà nào đó là: Trường cách nhà bao nhiêu cây số? Nếu không thể đi bộ, bạn sẽ chọn hình thức gì? Bạn có thể đáp ứng được chi phí bỏ ra cho các phương tiện đi lại không?
Kinh nghiệm du học Úc khi thuê nhà là càng gần trường học và khu trung tâm, cũng như các địa điểm như trạm xe bus, cửa hàng bách hóa, chợ, phòng khám bác sĩ… thì càng có lợi.
5.3. Đồ đạc
Bạn cần phải biết mình nên thuê một căn nhà trống hay căn nhà có sẵn đồ đạc. Tuy giá thuê một căn nhà trống rẻ hơn nhưng bạn cần có sẵn hoặc chuẩn bị những đồ dùng cơ bản. Có những chủ nhà tốt bụng chịu lãnh trách nhiệm sửa sang đồ đạc hay chi trả cho vấn đề sửa chữa (máy móc, thiết bị, điện, nước…) nhưng cũng có người “bỏ lơ” vấn đề này. Cách tốt nhất là ghi rõ trách nhiệm của hai bên khi có hỏng hóc đồ dùng để dễ bề phân xử.
5.4. Những người ở chung
Tuy ở chung với nhiều người khác sẽ là cơ hội để giao lưu văn hóa nhưng cũng không thể tránh khỏi những mâu thuẫn hoặc những xung đột về mặt văn hóa. Chính vì vậy, bạn cần phải tìm hiểu kỹ những người bạn sẽ sống chung với mình để có một cuộc sống có phần “dễ thở” hơn nhé
5.5. Vấn đề an ninh và khu dân cư quanh nơi bạn sống
Vì bạn sẽ phải đi học hoặc đi làm liên tục và trở về nhà vào lúc tối muộn nên cần thận trọng với khâu an ninh và khu vực quanh nơi ở của mình. Trước khi thuê nhà tại Úc, hãy lên mạng tìm kiếm thông tin trị an của khu vực đó, liên hệ bạn bè Úc hay nhà trường để có được lời khuyên của dân bản xứ và hay nhất là lân la hỏi thăm những ai sống trong khu vực này. Vấn đề an ninh còn liên quan đến các yếu tố an toàn tư trang (nhà có khóa riêng cho từng thành viên không, hệ thống cửa có chắc chắn không) hay vấn đề phòng cháy chữa cháy (có lối thoát hiểm không, có hệ thống điện an toàn không).
Hy vọng tất tần tật những thông tin về nhà ở tại xứ sở Kangaroo sẽ giúp các bạn du học sinh có cái nhìn tổng quan hơn về dịch vụ cũng như chi phí cho từng hình thức nhà ở tại Úc. Và đừng quên vài “bí kíp” nho nhỏ Jellyfish dành cho bạn khi lựa chọn loại hình nhà trọ nhé!
Có thể bạn sẽ quan tâm:
>> “Tránh xa” 10 sai lầm phổ biến khiến bạn bị từ chối visa du học Úc
>> Cập nhật những thay đổi mới nhất 2019 và những lưu ý khi xin visa du học Úc
>> Kinh nghiệm làm hồ sơ du học của du học sinh Úc
———————-
Nếu bạn còn nhiều những thắc mắc về điều kiện du học Úc, chi phí du học tại Úc và cách xin visa để du học Úc, hãy liên lạc tới Jellyfish Education bằng các cách:
– Gọi đến hotline 0982.014.13
– Đăng ký TẠI ĐÂY để chuyên viên du học Úc sẽ liên hệ tới bạn nhanh nhất
– Inbox Fanpage Facebook: https://facebook.com/duhocuc.edu.vn